tìm bệnh theo tên (nhập chữ cái đầu tiên của tên bệnh bạn muốn tìm) ABCDEGHKMNOPQRSTUVXCác bệnh ám ảnh và thuốc dùng Bệnh nhân thừa nhận sự sợ hãi của họ là quá mức và không có lý do. Bệnh nhân đánh trống ngực, run, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày và ruột, tiêu chảy Bệnh nhân thừa nhận sự sợ hãi của họ là quá mức và không có lý do. Bệnh nhân đánh trống ngực, run, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày và ruột, tiêu chảy.
Ám ảnh sợ khoảng trống Bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống bao gồm các triệu chứng như khó chịu trong người, mất kiểm soát đi tiểu, sợ ra khỏi nhà một mình, sợ không kiểm soát được mình, sợ không có người giúp đỡ... Bệnh nhân thường có phối hợp với hoảng sợ kịch phát. Những bệnh nhân này không thể tự đi ra ngoài, đến những nơi công cộng hoặc những nơi đông người một mình được. Họ phải có người thân đi cùng và nếu lạc mất người thân thì họ sẽ có cảm giác sợ hãi mạnh mẽ. Một số người có thể tự đi ra ngoài một mình nhưng không thể đi lâu và đi xa khỏi nhà. Vì vậy họ có cảm giác an toàn nhất khi ở trong ngôi nhà của mình cùng với người thân. Lâu ngày những người này sẽ ít tiếp xúc với người xung quanh.
Cơn hoảng sợ kịch phát Cơn hoảng sợ kịch phát khởi phát đột ngột và nhanh chóng đạt tới cường độ tối đa (thường trong vòng 10 phút), phối hợp với cảm giác nguy hiểm hoặc đe dọa bị chết. Bệnh nhân mong muốn được thoát khỏi tình trạng này. Triệu chứng rất đa dạng, phong phú, bao gồm: hồi hộp, ra mồ hôi như tắm (mặc dù trời không nóng), run chân tay, hơi thở nông và có cảm giác nghẹn ở cổ, bệnh nhân có cảm giác hụt hơi, đau và khó chịu ở vùng ngực trái (dễ nhầm với đau tim), nôn hoặc có cảm giác khó chịu ở vùng bụng, chóng mặt, không thể kiểm soát được bản thân, luôn có cảm giác sợ chết mạnh mẽ, người thấy rét run hoặc nóng bừng. Các bệnh nhân này yêu cầu được cấp cứu vì trong cơn hoảng sợ họ nghĩ rằng mình sắp chết, có nhồi máu cơ tim, bị “phát điên”. Triệu chứng của các cơn hoảng sợ thường giống nhau, liên quan tới nhau và bệnh nhân muốn nhanh chóng rời khỏi chỗ đó ngay tức khắc để tránh cơn hoảng sợ kịch phát.
Có 3 loại cơn hoảng sợ kịch phát: - Cơn hoảng sợ kịch phát không có dấu hiệu báo trước (không có hoàn cảnh thuận lợi). - Cơn hoảng sợ kịch phát có dấu hiệu báo trước (có hoàn cảnh thuận lợi như đang lái xe nhìn thấy rắn, bị chó tấn công...). - Cơn hoảng sợ xuất hiện sau một thời gian ngắn khi có hoàn cảnh thuận lợi (ví dụ xuất hiện sau một thời gian lái xe).
Ám ảnh sợ xã hội Ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên, biểu hiện sợ người khác nhìn mình chăm chú, dẫn đến né tránh hoàn cảnh xã hội. Ám ảnh sợ xã hội có thể kín đáo như sợ ăn uống nơi công cộng, sợ nói trước đám đông hoặc sợ người khác giới. Triệu chứng sợ nôn ở nơi công cộng có thể là triệu chứng rất quan trọng của ám ảnh sợ xã hội. Những ám ảnh sợ xã hội phối hợp với tự ti và sợ bị phê bình có thể bộc lộ bằng những lời phàn nàn, bị đỏ mặt, run tay, buồn nôn hoặc mót đi tiểu. Các triệu chứng này có thể tiến triển thành cơn hoảng sợ, né tránh hoàn toàn, cách ly xã hội. Các yếu tố ám ảnh sợ xã hội là bền vững. Bệnh nhân thừa nhận sự sợ hãi của họ là quá mức và không có lý do. Bệnh nhân đánh trống ngực, run, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày và ruột, tiêu chảy. Các trường hợp nặng triệu chứng có thể giống với cơn hoảng sợ. Đỏ mặt có thể là đặc trưng cho ám ảnh sợ xã hội.
Ám ảnh sợ biệt định Đó là những ám ảnh sợ khu trú vào các tình huống cụ thể như: sợ động vật, sợ độ cao, sợ sấm chớp, sợ bóng tối, sợ đi máy bay, sợ đi cầu thang máy... Yếu tố ám ảnh sợ biệt định được xây dựng trên nền một sợ hãi mãnh liệt, bền vững. Khi có các tình huống gây kích thích sẽ dễ dàng gây ra các đáp ứng lo âu. Lo âu ổn định khi có các kích thích ám ảnh sợ. Mức độ lo âu và sợ hãi thay đổi theo mức độ tiếp cận với kích thích. Cường độ của sợ cũng không giống nhau với những kích thích gây sợ hãi khác nhau. Trong các loại động vật thì rắn là loại gây ám ảnh sợ biệt định nhất (sợ rắn). Nếu một người sợ rắn và sợ tăng lên khi có rắn được coi là ám ảnh sợ rắn. Nhưng nếu người đó sống trong vùng không có rắn thì không được chẩn đoán là ám ảnh sợ rắn. Ngày nay, rất nhiều người sợ đi máy bay, mặc dù đây là phương tiện vận chuyển hiện đại. Với tốc độ đô thị hóa cao, thang máy ngày càng phổ biến, nhưng số lượng bệnh nhân sợ thang máy ngày càng cao (sợ rơi thang máy, sợ kẹt trong thang máy...). Cũng nhiều trường hợp bệnh nhân sợ máu, sợ vết thương, sợ kim tiêm...
Điều trị các rối loạn ám ảnh - Benzodiazepin như seduxen, rivotril, tranxen, lexomil có tác dụng cắt cơn hoảng sợ rất tốt, nhưng các thuốc này dễ gây quen thuốc, vì thế chỉ được dùng trong các trường hợp rất cần thiết. Seduxen 10 - 20mg/ngày, lexomil 3 - 6mg/ngày, rivotril 0,25 - 2mg/ngày, tranxen 10 - 50mg/ngày. - Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng có tác dụng an dịu: Các thuốc này không gây ra phụ thuộc thuốc. Hiệu quả điều trị xuất hiện chậm, thường đạt kết quả tối đa sau 8 - 12 tuần điều trị. Thuốc có thời gian bán hủy dài, vì thế chỉ cần dùng một liều duy nhất vào buổi tối. Nhưng thuốc có nhược điểm là gây buồn ngủ, nên thận trọng với người lái xe. Ngoài ra thuốc còn gây tăng cân. Thuốc cụ thể: doxepin 50 - 75mg/ngày, amitriptilin 50 - 75mg/ngày, anafranil 50 - 150mg/ngày. - Các thuốc điều trị chống trầm cảm mới.: Hiệu quả điều trị của thuốc chỉ xuất hiện sau 8 - 12 tuần. Khi dùng cần tăng liều dần để tránh gây tác dụng trên dạ dày, ruột (nôn, buồn nôn, đầy bụng). Thường liều điều trị phải cao hơn liều điều trị trầm cảm. Nên uống thuốc sau bữa ăn. Cụ thể: fluvoxamin 50 - 200mg/ngày, fluoxetin 20 - 40 mg/ngày, paroxetin 20 - 50mg/ngày, sertralin 50 - 200mg/ngày, venlafaxin 50 - 200mg/ngày, remeron 30 - 60mg/ngày. Các thuốc này rất tốt với các chứng ám ảnh sợ, cơn hoảng sợ kịch phát, ít tác dụng phụ, vì vậy rất được các bác sĩ ưa chuộng. Nhìn chung bệnh nhân ám ảnh là mạn tính nên thời gian dùng thuốc thường kéo dài 18 - 24 tháng, thậm chí phải dùng thuốc kéo dài nhiều năm.
Tác giả: TS. Bùi Quang Huy (Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - BV103) Nguồn: Báo sức khỏe và đời sống số 1238 - Thứ bảy 18/11/2006